Trong quá trình làm việc nhóm, bạn sẽ rất dễ dàng vướng vào tình huống mâu thuẫn giữa mục tiêu chung của toàn team và mục tiêu riêng của mỗi cá nhân.
Mục tiêu chung của nhóm là mục tiêu mà mọi thành viên cố gắng đạt được cùng nhau và cùng hưởng thành quả dựa trên điều này. Trong khi đó, mục tiêu cá nhân sẽ mang tính độc lập hơn, thường có sự khác nhau trong mỗi thành viên và cũng hướng tới những quyền và lợi ích riêng.
Vì sao việc thiết lập mục tiêu nhóm rất quan trọng?
Một mục tiêu hợp lý, rõ ràng sẽ thúc đẩy động lực, trách nhiệm và đem đến cảm giác thoải mái khi thực hiện cho toàn team. Khi một đội ngũ làm việc cùng nhau và hướng tới mục tiêu được xác định cụ thể, họ sẽ dễ dàng đạt được những kết quả tốt hơn nhiều so với một team không có mục tiêu rõ ràng.
Trong khi các mục tiêu cá nhân tập trung vào sự phát triển đơn lẻ, thì các mục tiêu của team sẽ mang tính thống nhất, tập hợp nỗ lực của mọi người vì đích đến chung. Những mục tiêu chung này có thể là ngắn hạn, như hoàn thành một dự án cụ thể với KPI xác định; hoặc dài hạn, như gắn kết vai trò của team với sự phát triển trong 5-10 năm của tổ chức lớn.
Mục tiêu của nhóm không chỉ là một định nghĩa hay con số để mọi người nhìn vào và biết được mình cần làm gì, mà nó còn là một công cụ mạnh mẽ thúc đẩy cả team cố gắng hơn trong quá trình làm việc.
Xác định hướng đi và trọng tâm: Một mục tiêu rõ ràng sẽ đem đến cho cả team lộ trình đi đúng hướng và tập hợp mọi nỗ lực cá nhân vì lợi ích chung. Điều này giúp loại bỏ sự mơ hồ, hoang mang trong team và đảm bảo mọi người luôn làm việc đồng bộ với nhau.
Tăng động lực và sự đoàn kết: Làm việc hướng tới một mục tiêu chung sẽ nâng cao ý thức và sự liên kết giữa mọi thành viên trong team. Khi thành công chung trở thành một thành tựu mà công sức của mọi người được ghi nhận, nó sẽ trở thành động lực lớn để tất cả cùng đoàn kết làm việc.
Cải thiện hiệu suất: Mục tiêu của team sẽ thiết lập một chuẩn mực về hiệu suất làm việc cho mọi người. Khi phấn đấu hướng tới một mục tiêu có thể đo lường được, các thành viên trong team sẽ tự nhiên có xu hướng thúc đẩy bản thân và nâng cao hiệu suất cá nhân của mình lên.
Dễ đánh giá hiệu suất: Mục tiêu của team sẽ dùng để đặt ra một khuôn khổ rõ ràng khi nhìn nhận hiệu suất làm việc ở mỗi thành viên. Từ đó, người quản lý có thể dễ dàng đánh giá mức độ đóng góp cá nhân trong toàn bộ hành trình đến khi team đạt được mục tiêu cuối cùng.
Cách cân bằng giữa mục tiêu của cả team và mục tiêu mỗi cá nhân
Với những bí quyết sau, bạn sẽ dễ dàng cân bằng giữa mục tiêu của cả team và mục tiêu mỗi cá nhân mà không làm mất đi tính đoàn kết trong nhóm.
Làm rõ mục tiêu của team
Mỗi doanh nghiệp, hay mỗi phòng ban đều sẽ cần một danh sách các mục tiêu rõ ràng. Nội dung này sẽ được phổ biến cho tất cả các thành viên trong công ty hoặc phòng ban đó để họ có thể hình dung chiến lược tổng quan của một tập thể.
Từ đây, các thành viên có thể định hình được mục tiêu cá nhân của mình sao cho phù hợp với tổ chức họ đang làm việc. Ở cấp độ cá nhân, bất kỳ mục tiêu nào mà mỗi thành viên đặt ra, đều phải phù hợp với hướng đi chung của cả team.
Ví dụ: Trong một team sales, mục tiêu chung của cả tập thể là đạt được doanh số 1 tỷ/ tháng với 2 sản phẩm A và B, mỗi loại 500 triệu đồng. Tuy nhiên mỗi thành viên trong team sẽ phụ trách một sản phẩm có giá trị khác nhau và mức hoa hồng khác nhau. Khi đó, người quản lý sẽ phải tính toán sao cho mỗi cá nhân đều có thể đạt được mức hoa hồng như họ kỳ vọng, nhưng vẫn phải đảm bảo tính cân bằng trong cơ cấu bán sản phẩm của mục tiêu lớn.
Điều chỉnh mục tiêu cá nhân
Có hai kịch bản thường xảy ra khi mục tiêu cá nhân không tương thích với mục tiêu của toàn team.
Đầu tiên, đó là trường hợp công việc của một thành viên team có thể quan trọng với cả tập thể, nhưng nó lại không nằm trong mục tiêu lớn của team ở thời điểm hiện tại.
Ví dụ, một team marketing đang đặt mục tiêu sản xuất trong tháng là 100 video ngắn cho các nền tảng Reels và Tiktok. Điều này dẫn đến thành viên chuyên phụ trách tổ chức sự kiện của team không có cùng mục tiêu chung này. Trong trường hợp đó, người quản lý cần phải trao đổi và tìm hướng đi để tận dụng được kiến thức, chuyên môn của người đó vào việc hoàn thành mục tiêu của toàn team.
Trong ví dụ trên, người quản lý có thể hướng bạn nhân viên tổ chức sự kiện vào việc cùng team tạo ra các kịch bản video như khi bạn làm kịch bản sự kiện trước đó và điều chỉnh cách tính KPI. Điều này giúp team tận dụng tốt nguồn lực về con người và tạo sự công bằng với các cá nhân ở mọi bộ phận.
Trường hợp thứ hai là mục tiêu cá nhân vượt quá cơ cấu tổ chức của team. Ví dụ, một nhân viên trong team sales đã làm lâu năm và đặt mục tiêu lên vị trí leader trong vòng 6 tháng tới. Trong khi đó, hiện tại số leader của team sales đã là 3 và đạt đủ cơ cấu cho bộ phận sales trong tình hình bán hàng hiện tại.
Nếu điều này xảy ra, người quản lý có thể cho nhân viên đó cơ hội được phụ trách các mảng sản phẩm mới, hoặc lên vị trí leader ở một bộ phận mới tùy theo năng lực cá nhân của họ. Nếu thực sự là một nhân viên giỏi, họ có thể phụ trách quản lý thêm một bộ phận, hỗ trợ teamwork cho hoạt động của cả tổ chức về lâu dài.
Giúp các thành viên hiểu mục tiêu và tầm nhìn của tập thể
Có những nhân viên làm việc trong rất nhiều năm nhưng vẫn không hiểu được sứ mệnh và tầm nhìn của nơi mà họ đang cống hiến. Đa phần chúng ta luôn nghĩ về vấn đề lương thưởng khi làm việc. Điều này là đúng nhưng chưa phải tất cả.
Một người hiểu được công việc họ đang làm hàng ngày sẽ đóng góp như thế nào vào mục tiêu và tầm nhìn chung, sẽ làm việc hiệu quả hơn rất nhiều. Các cuộc trò chuyện về mục tiêu nên diễn ra mỗi ngày, và được thực hiện bởi người quản lý, lãnh đạo. Bao gồm các buổi trao đổi, thảo luận về cách thức đặt mục tiêu cá nhân sao cho phù hợp với giá trị của cả team.
Xây dựng thành tích cá nhân thông qua học tập
Sự phát triển về chuyên môn của cá nhân và thành công của cả team có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Theo nhiều nghiên cứu mới nhất, khi mục tiêu của nhân viên phù hợp với mục tiêu của toàn team, hiệu suất làm việc của họ tăng tới 22%.
Hầu hết những người có hiệu suất cao đều quan tâm đến việc thăng tiến trong sự nghiệp của họ. Và học tập thêm kiến thức là điều mà mọi nhân viên giỏi rất quan tâm.
Là người quản lý, lãnh đạo, bạn cũng cần cho nhân viên của mình cơ hội được đào tạo và phát triển thêm các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp. Đừng quá lo lắng về chi phí phải trả cho việc này vì nó sẽ đem về lợi nhuận lớn hơn rất nhiều nếu nhân viên của bạn trở thành những người có chuyên môn cao.
Ngoài ra, việc tạo cơ hội học tập cũng là cách giữ chân nhân viên giỏi để họ tiếp tục làm việc cùng doanh nghiệp.
Ghi nhận đóng góp cá nhân và khen thưởng tinh thần đồng đội
Tại bất kỳ công ty nào, nỗ lực của mỗi nhân viên đều nên được ghi nhận đầy đủ. Là một người quản lý, bạn không thể bắt nhân viên hết mình vì một mục tiêu chung nhưng lại không cho họ những quyền lợi cả về vật chất và tinh thần khi làm điều đó.
Ngoài vấn đề lương thưởng, thì việc tổ chức những đợt khen ngợi, công bố và đề cao thành tích đóng góp của mỗi cá nhân vào mục tiêu chung là điều vô cùng cần thiết. Một nhân viên khi cảm thấy nỗ lực của mình được coi trọng, sẽ luôn muốn cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt được thành quả tốt hơn.
Ngoài ra, đừng bao giờ bỏ quên việc đề cao tinh thần đồng đội. Vì mục tiêu cá nhân, rất nhiều team đã xảy ra tình trạng “chủ nghĩa cá nhân” mà không cần quan tâm đến việc hỗ trợ, hay nhận sự hỗ trợ từ những người khác. Vì vậy, người lãnh đạo phải giúp team của mình hiểu được tầm quan trọng của việc teamwork và có sự khen ngợi kịp thời với những thành viên có tinh thần đồng đội tốt.
Minh bạch về tiến độ hoàn thành mục tiêu của team
Sự liên kết giữa mục tiêu cá nhân và mục tiêu của team chỉ thực sự vững chắc nếu tất cả đều có thể theo dõi, giám sát tình trạng hoàn thành, tiến độ công việc của cả tập thể. Vì vậy, các team, đặc biệt là team sales sẽ luôn cần một phần mềm CRM giúp hiển thị trực quan, rõ ràng tình hình bán hàng của cả team.
Một trong những CRM được người dùng đánh giá có bảng điều khiển, theo dõi trực quan và dễ sử dụng nhất hiện nay là mSale365. Với mSale365, mọi thành viên trong team sales và lãnh đạo đều có thể theo dõi, quản lý tiến độ bán hàng để củng cố đội ngũ và cải thiện kỹ năng teamwork tốt hơn.
Việc theo dõi và đo lường hiệu quả này giúp loại bỏ sự nhầm lẫn và đảm bảo rằng mọi người đang cùng nhìn nhận vấn đề trên một hệ quy chiếu. Nó cũng cho phép nhân viên hiểu rõ hơn về cách công ty đang hoạt động trong tổng thể.